INTERPOL và Tổ chức Hải quan thế giới hợp tác trấn áp hoạt động mua bán trái phép gỗ và động vật hoang dã

01/01/2023
Từ ngày 03-30/10/2022, INTERPOL phối hợp với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) điều phối việc thực hiện Chiến dịch Thunder về phòng, chống mua bán gỗ và động vật hoang dã trái phép với sự tham gia của các lực lượng Cảnh sát, Hải quan, Cơ quan thực thi pháp luật về động vật hoang dã và lâm nghiệp từ 125 quốc gia thành viên INTERPOL.

Chiến dịch Thunder được INTERPOL tổ chức lần đầu vào năm 2017 nhằm thực thi Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), phòng chống việc buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật được pháp luật các quốc gia và Công ước CITES bảo vệ. Chiến dịch “Thunder 2022” kéo dài một tháng, quy tụ số lượng các quốc gia tham gia nhiều nhất so với các lần tổ chức Chiến dịch trước đây. Đặc biệt, Chiến dịch lần này đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Ban thư ký CITES và Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã; đồng thời nhận được sự tài trợ của Tổng cục Uỷ ban Châu Âu về hợp tác quốc tế, Sáng kiến về rừng và khí hậu quốc tế của Na Uy, Bộ Môi trường, Lương thực và Nông thôn Anh và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Trong thời gian triển khai Chiến dịch, lực lượng chức năng các nước sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất (thường là sử dụng chó nghiệp vụ, máy soi chiếu hành lý X-ray) tại các trạm kiểm soát trên bộ, sân bay. 
 

Tại sân bay quốc tế Chennai, Hải quan Ấn Độ kiểm tra và thu giữ  5 cá thể cuscus đốm (loài thú có túi) trong hành lý của một hành khách từ Thái Lan.
Tại sân bay quốc tế Chennai, Hải quan Ấn Độ kiểm tra và thu giữ 5 cá thể cuscus đốm (loài thú có túi) trong hành lý của một hành khách từ Thái Lan.

 
Mặc dù kết quả Chiến dịch vẫn đang được cập nhật, tuy nhiên theo kết quả thống kê sơ bộ tính đến thời điểm hiện tại, trong một tháng triển khai Chiến dịch Thunder, các nước đã tiến hành gần 2.200 vụ bắt giữ, xác định được 934 nghi phạm, 141 công ty bị tình nghi liên quan đến buôn bán, chế biến, xuất khẩu và nhập khẩu trái phép các sản phẩm lâm nghiệp và động vật hoang dã được bảo vệ để mở rộng điều tra trên toàn thế giới; tịch thu được số lượng lớn động, thực vật hoang dã và các chế phẩm (cụ thể như: 119 cá thể mèo, 34 loài linh trưởng, 25 chiếc sừng tê giác, 9 cá thể tê tê, 389 kg vẩy tê tê và các dẫn xuất, 750 cá thể chim, 516 chiếc ngà voi (khoảng 780 kg), 1.795 loài bò sát và gần nửa tấn các bộ phận và sản phẩm phái sinh từ bò sát; 2.813 kg động, thực vật biển (san hô, lươn, hải sâm,…), 1.190 cá thể rùa các loại, 47,28 m3 gỗ hồng (hồng mộc), 47.000 m3 gỗ các loại và hàng tấn các loại thực vật khác,…).
 

Mông Cổ tổ chức kiểm tra các đơn vị vận chuyển gỗ trong thời gian triển khai Chiến dịch Thunder 2022.
Mông Cổ tổ chức kiểm tra các đơn vị vận chuyển gỗ trong thời gian triển khai Chiến dịch Thunder 2022.


Hoạt động mua bán trái phép các sản phẩm lâm nghiệp, động vật hoang xảy ra tại nhiều nơi, trên phạm vi toàn cầu. Ở khu vực Nam Phi, Namibia đã ngăn chặn thành công một lượng lớn gỗ trước khi chúng được nhập khẩu trái phép vào nước này.  Angola đã bắt giữ một công dân châu Á buôn bán trái phép sừng tê giác và đồ trang sức bằng ngà voi. Malawi đã thu giữ ngà voi tại nhà của một công dân châu Á.

Ở khu vực châu Á, Thái Lan đã bắt giữ một số vụ buôn bán rùa từ Đông Phi, thu giữ hàng trăm loài bò sát sống từ châu Âu. Indonesia thực hiện hai vụ bắt giữ với số lượng gỗ lớn dự kiến xuất khẩu trái phép sang Trung Đông và châu Á. Ấn Độ thu giữ khoảng 1.200 loài bò sát (kỳ nhông, trăn, kỳ đà và rùa) được khai báo hải quan là “cá cảnh” và đóng gói trong các hộp các tông. 

 

Hải quan Thái thu giữ 114 cá thể rùa bị buôn lậu từ Tanzania trong hành lý khách hang.
Hải quan Thái Lan thu giữ 114 cá thể rùa bị buôn lậu từ Tanzania trong hành lý hành khách.


Khu vực châu Âu là điểm đến của các loài động vật hoang dã. Pháp tịch thu các loại bò sát được vận chuyển từ Trung Phi giấu trong các kiện hành lý của hành khách, Đức thu giữ được các bùa hộ mệnh làm bằng da hổ trong một bưu kiện từ châu Á, Anh thu giữ được một số miếng ngà voi sau khi điều tra về một đối tượng buôn bán động vật hoang dã qua mạng.

Tại châu Mỹ, các nước cũng tăng cường các hoạt động kiểm tra trong thời gian diễn ra Chiến dịch. Costa Rica đã bắt giữ một cá nhân sở hữu hàng trăm loài động vật hoang dã. Peru đã đề nghị Ban Tổng thư ký INTEROL ban hành Lệnh truy nã quốc tế (thông báo đỏ) đối với đối tượng buôn lậu gỗ. Mỹ đã thu giữ nhiều loại động, thực vật hoang dã như vẹt, trứng kỳ nhông, san hô, các sản phẩm từ da cá sấu, trứng cá muối và thịt cá mập tại một số sân bay quốc tế.

Chiến dịch Thunder được triển khai trên phạm vi toàn cầu với một số lượng lớn các quốc gia thành viên tham gia đã giúp phát hiện nhiều vụ việc buôn bán động, thực vật trái phép, góp phần phá vỡ mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia về buôn lậu gỗ, động vật hoang dã trên toàn cầu; nâng cao nhận thức cộng đồng về những loài hoặc sản phẩm mà con người có thể hoặc không thể mua, bán hoặc lấy từ tự nhiên nhằm bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm