Một mối đe dọa trên phạm vi toàn cầu ngày càng gia tăng do sự phát triển của công nghệ

08/02/2024
Vừa qua, INTERPOL đã đưa ra một đánh giá về tội phạm lừa đảo tài chính toàn cầu. Theo đánh giá của INTERPOL, các nhóm tội phạm có tổ chức đã tận dụng sự phát triển của kỹ thuật để tiến hành lừa đảo các nạn nhân trên toàn thế giới.

Các đối tượng sử dụng các nạn nhân bị mua bán người để thực hiện các vụ lừa đảo gọi là “pig butchering”. Thông qua việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), các loại ngôn ngữ và tiền điện tử kết hợp với hình thức tấn công giả mạo (phishing), mã độc ransomwar, các nhóm tội phạm có tổ chức đã tiến hành các chiến dịch lừa đảo một cách tinh vi và chuyên nghiệp với chi phí thấp mà không cần người lừa đảo phải có kỹ thuật cao.

Đánh giá của INTERPOL chỉ ra rằng sự bùng nổ của nạn mua bán người trên toàn cầu nhằm mục đích cưỡng bức phạm tội tại các trung tâm gọi điện lừa đảo, đặc biệt là thực hiện các vụ lừa đảo “pig butchering” nhằm mục đích dẫn dụ nạn nhân kết bạn trên mạng xã hội và đầu tư vào các nền tảng giả mạo.
 

 
Báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh về gian lận tài chính, do Chính phủ Anh tổ chức tại London, ông Jürgen Stock, Tổng thư ký INTERPOL cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề gian lận tài chính ngày càng gia tăng. Các công ty, cá nhân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương bị lừa đảo trên phạm vi toàn cầu với quy mô lớn. Những thay đổi về công nghệ, sự gia tăng nhanh chóng về quy mô cũng như số lượng tội phạm có tổ chức đã thúc đẩy việc tạo ra nhiều cách thức mới để lừa gạt người dân vô tội, các doanh nghiệp và thậm chí cả chính phủ các quốc gia trên thế giới. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tiền điện tử, tình hình gian lận tài chính trên thế giới sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có hành động khẩn cấp. Chúng ta phải đảm bảo việc chia sẻ thông tin giữa các ngành và giữa các quốc gia, đặc biệt khuyến khích việc thường xuyên báo cáo về tội phạm tài chính; đầu tư xây dựng năng lực, tăng cường đào tạo cho cơ quan thực thi pháp luật các nước để có những biện pháp đấu tranh với tội phạm tài chính trên phạm vi toàn cầu thực sự hiệu quả hơn”.
 
Theo đánh giá của INTERPOL, các xu hướng lừa đảo phổ biến nhất trên toàn cầu là lừa đảo đầu tư, lừa đảo thanh toán tạm ứng, lừa đảo tình cảm và lừa đảo qua email doanh nghiệp; lừa đảo tài chính thường được thực hiện bởi một mạng lưới các đồng phạm, từ có cấu trúc chặt chẽ đến liên kết lỏng lẻo; yêu cầu cấp thiết là tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu để phát triển các chiến lược ứng phó hiệu quả hơn.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này, INTERPOL khuyến nghị cần phải xây dựng quan hệ đối tác công-tư nhiều bên liên quan để theo dõi và thu hồi số tiền bị lừa đảo. Kể từ khi triển khai Cơ chế dừng thanh toán nhanh toàn cầu của INTERPOL (I-GRIP) vào năm 2022, Tổ chức đã giúp các quốc gia thành viên ngăn chặn việc chuyển hơn 500 triệu USD tiền thu được từ tội phạm, phần lớn xuất phát từ các hành vi lừa đảo trên mạng.
 
Các xu hướng khu vực về lừa đảo tài chính
 
- Tại Châu Phi: Lừa đảo qua email doanh nghiệp vẫn là một trong những xu hướng phổ biến nhất. Tuy nhiên việc sử dụng các nạn nhân bị mua bán người để lừa đảo ngày càng gia tăng và được xác định ở khu vực Tây và Nam Phi nhắm vào các nạn nhân ở bên ngoài châu Phi.
 
Một số nhóm tội phạm ở Tây Phi, bao gồm Black Axe, Airlords và Supreme Eiye, tiếp tục phát triển xuyên quốc gia và được biết là có nhiều kỹ năng lừa đảo tài chính trực tuyến như lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư, lừa đảo thanh toán tạm ứng và lừa đảo tiền điện tử.
 
- Tại Châu Mỹ: Các loại hình lừa đảo phổ biến nhất là mạo danh, tình cảm, hỗ trợ công nghệ, thanh toán tạm ứng và lừa đảo viễn thông. Việc sử dụng các nạn nhân bị mua bán người để lừa đảo ngày càng gia tăng.  Chiến dịch Turquesa V của INTERPOL về phòng, chống mua bán người và đưa người đi cư trái phép tại khu vực châu Mỹ cho thấy hàng trăm nạn nhân sau khi bị dụ dỗ qua các ứng dụng tin nhắn và nền tảng mạng xã hội đã bị mua và bị ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo.
 
Có bằng chứng cho thấy các tập đoàn tội phạm ở khu vực Mỹ Latinh như Commando Vermelho, Primeiro Comando da Capital (PCC) và Cartel Jalisco New Generation (CJNG) cũng tham gia vào hoạt động lừa đảo tài chính.
 
- Tại Châu Á: Việc sử dụng các nạn nhân bị mua bán người để lừa đảo xuất hiện đầu tiên ở châu Á vào năm 2019 và mở rộng trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19. 
 
Một loại lừa đảo khác đang gia tăng trong những năm gần đây ở châu Á là lừa đảo viễn thông, trong đó thủ phạm mạo danh nhân viên thực thi pháp luật hoặc nhân viên ngân hàng để lừa nạn nhân tiết lộ thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hoặc lừa đảo nạn nhân chuyển tiền.
 
- Tại Châu Âu: Lừa đảo đầu tư trực tuyến, lừa đảo trực tuyến đã gia tăng trên các mục tiêu được lựa chọn cẩn thận nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Các ứng dụng điện thoại di động cũng đang là mục tiêu của tội phạm mạng.
Ban Biên tập
Tìm kiếm