Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mùa nắng nóng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra cháy rừng do thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao và gió mạnh. Bên cạnh đó, một số hoạt động khai thác rừng không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và ý thức của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng rất cao.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tích cực tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC nói chung, PCCC rừng nói riêng. Trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy, nổ xảy ra của lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là các chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng. Đồng thời, tập trung kiểm tra, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng tham gia PCCC rừng ở cơ sở đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Đến nay, hầu hết các địa phương có rừng đều đã xây dựng phương án PCCC và thành lập ban chỉ huy PCCC rừng. Định kỳ, các đơn vị, địa phương có rừng đều tổ chức diễn tập các phương án PCCC rừng với các tình huống giả định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC cũng như khả năng hợp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của các cấp chính quyền và các lực lượng theo phương châm “Bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
 |
Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng. |
Đặc biệt, trong năm 2025, thực hiện Công điện số 36 ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai công tác PCCC rừng; Công văn số của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh mà nòng cốt là Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC rừng.
Theo đó, các đơn vị Công an tỉnh, nhất là Công an các địa phương có rừng đã chủ động tham mưu và phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC rừng. Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy rừng cho các lực lượng PCCC rừng tại chỗ; tổ chức lực lượng thường trực, ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng kiểm lâm, quân đội, biên phòng tham gia chữa cháy rừng theo phương án PCCC rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Riêng lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn có rừng tích cực tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hướng dẫn người dân sinh sống, hoạt động ven rừng và các chủ rừng quản lý chặt chẽ nguồn lửa, không sử dụng lửa để xử lý thực bì trong thời gian có cảnh báo cháy cao; bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ rừng; canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng, các đối tượng vi phạm để xử lý kịp thời, có hiệu quả. Công tác kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy rừng như: kiểm tra đường băng cản lửa, hành lang an toàn, hệ thống biển báo, phương tiện chữa cháy và hồ sơ quản lý PCCC rừng... cũng được chú trọng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả…
Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả” Công an tỉnh Thanh Hoá nói chung, Công an các đơn vị có rừng nói riêng đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCC rừng, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ từ tỉnh, đến huyện, xã và các thôn, bản....