Bình Định: Chủ động ngăn ngừa tội phạm trên không gian mạng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

16/05/2025
Trước thực trạng các loại tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi và nhắm vào nhiều đối tượng, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, lực lượng Công an tỉnh Bình Định đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng ngừa loại tội phạm nguy hiểm này.

Từ đầu năm 2025 đến nay, mỗi lần công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh đều đến tận nhà dân, nắm bắt đời sống, nhắc nhở bà con cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng. Các anh lưu ý, nếu như trước đây, kẻ gian phải tiếp cận trực tiếp thì nay chỉ cần qua chiếc điện thoại thông minh là đã có thể thực hiện hành vi lừa đảo.

Ông Sô Zun An, người dân làng Kà Xim, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh chia sẻ: “Nhờ được Công an tuyên truyền cụ thể, bà con trong làng đã hiểu rõ và bắt đầu cảnh giác khi sử dụng điện thoại, đặc biệt là không tin vào những lời hứa hẹn ‘trên trời’ từ người lạ trên mạng”.

Cán bộ Công an tuyên truyền tại gia đình ông So Zun An.
Cán bộ Công an tuyên truyền tại gia đình ông So Zun An.

 

Tại làng Kà Xim, lực lượng Công an đã phối hợp cùng Chi ủy và Ban Quản lý làng tổ chức tuyên truyền đến 251 hộ dân với 806 nhân khẩu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: giả danh cơ quan chức năng gọi điện điều tra; giả mạo shipper để lừa tiền, cài mã độc vào điện thoại; giả danh người nước ngoài tặng quà...

Thông qua các tình huống thực tế, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giải thích, vận động người dân nâng cao cảnh giác khi sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội, phòng tránh bị lợi dụng, gây thiệt hại tài sản, tinh thần, ảnh hưởng an ninh, trật tự địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bình Định tuyên truyền về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho Ban quản lý làng Cà Sim, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bình Định tuyên truyền về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho Ban quản lý làng Cà Sim, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh.

 

Ông Sô Zun Nam, Bí thư Chi bộ làng Kà Xim cho biết: “Ban Quản lý làng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con cảnh giác với tội phạm trên mạng, nhất là các thủ đoạn lừa đảo. Khi có ai dụ dỗ hoặc đe dọa thì không tin, không nghe”.

Hiện nay, phần lớn người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận với điện thoại thông minh, trong đó thanh thiếu niên sử dụng nhiều để học tập, làm việc và giải trí. Xác định đây là nhóm dễ bị tội phạm mạng nhắm đến, lực lượng Công an đã thường xuyên trao đổi, tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh các thủ đoạn dụ dỗ đánh bạc online và lừa đảo mua bán người qua biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền tại gia đình anh Đinh Văn Vàng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tuyên truyền tại gia đình anh Đinh Văn Vàng.

 

Anh Đinh Văn Vàng, thanh niên xã Canh Thuận chia sẻ: “Được các đồng chí Công an tuyên truyền, em hiểu rõ hơn về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội. Em cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người trong gia đình cảnh giác khi sử dụng điện thoại, nhất là khi có số lạ hoặc người lạ gọi đến thì cần đề phòng bị lừa.”

Hiện toàn tỉnh Bình Định có 116 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào bị lừa đảo qua không gian mạng, tuy nhiên việc chủ động phòng ngừa là hết sức cần thiết.

Đại tá Nguyễn Chí Linh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, từ nay đến hết năm 2025, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an địa phương, Chi ủy và Ban Quản lý các thôn, làng trên địa bàn triển khai tuyên truyền phòng, chống tội phạm mạng đến 100% hộ dân. Công an tỉnh mong muốn bà con sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa, không để loại tội phạm này xâm nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc Hùng - Nguyễn Lan
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website