Từ trăn trở thực tiễn đến sáng kiến công nghệ
Với đặc thù địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng phòng cháy chưa đồng bộ, công tác chữa cháy ở tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều trở ngại. Khoảng 90% số vụ cháy đều phải sử dụng nước. Nhưng mỗi xe chữa cháy chỉ mang được 4 - 6m³ nước, chỉ có thể chữa cháy được khoảng 04 - 06 phút. Nếu không nhanh chóng xác định được nguồn nước tại chỗ, công tác cứu hỏa sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm và thiệt hại. Hơn ai hết, Thượng úy Đạt hiểu rõ những khó khăn ấy, với điều kiện hạ tầng phòng cháy còn thiếu đồng bộ, nhiều nơi không có hệ thống trụ nước chữa cháy, việc tìm kiếm nguồn nước tại chỗ luôn là một “bài toán khó”. Chính từ những lần trực tiếp tham gia chữa cháy, phải mò mẫm tìm nguồn nước giữa đêm tối, đã thôi thúc đồng chí thực hiện ý tưởng: phải xây dựng một bản đồ số về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Dù không được đào tạo về công nghệ thông tin, Thượng úy Đạt vẫn quyết tâm tự học cách lập trình, thiết kế cơ sở dữ liệu, xây dựng giao diện phần mềm để thực hiện ý tưởng của mình.
 |
Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (đứng bên phải ảnh) cùng đồng đội khảo sát, định vị các trụ nước trên địa bàn. |
|
Ngày đêm miệt mài sáng tạo
Không được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, việc xây dựng phần mềm ban đầu chỉ là ý tưởng manh nha trong những lần đi chữa cháy. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mọi kiến thức về lập trình, thiết kế phần mềm đều được Thượng úy Đạt tự mày mò học qua mạng, qua sách vở. Ban ngày làm nhiệm vụ chuyên môn, tối về anh lại cặm cụi nghiên cứu, thử viết mã, dựng giao diện, xây dựng cơ sở dữ liệu. “Ban đầu, tôi học lập trình từ con số 0. Ngoài giờ hành chính, buổi tối hay cuối tuần, tôi cùng một vài đồng đội lại tranh thủ rong ruổi đi khắp các địa bàn để khảo sát, định vị các trụ nước, ao hồ, khe suối... Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở nhưng chúng tôi xác định đây là việc làm có ích cho toàn lực lượng, nên rất quyết tâm”, Thượng úy Đạt chia sẻ.
Sau 04 tháng miệt mài vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu một cách nghiêm túc, với ý chí và quyết tâm cao nhất, ứng dụng “Bản đồ nguồn nước Điện Biên” bước đầu được hình thành. Dữ liệu sau đó được tích hợp vào Google Maps, cho phép hiển thị vị trí, đặc điểm, tình trạng nguồn nước và đặc biệt là giúp cán bộ, chiến sĩ tra cứu vị trí nguồn nước gần nhất, thông tin về lưu lượng, đặc điểm, tình trạng hoạt động và đặc biệt là chức năng chỉ đường đến nguồn nước trong thời gian nhanh nhất - một tính năng cực kỳ hữu dụng trong tình huống khẩn cấp.
 |
Giao diện sử dụng Bản đồ nguồn nước Điện Biên. |
“Trong quá trình xây dựng phần mềm cũng gặp một số khó khăn, thứ nhất về kiến thức xây dựng phần mềm còn hạn chế, thứ hai là địa hình tỉnh Điện Biên dàn trải, vị trí địa lý phức tạp, do đó việc đi khảo sát tất cả các vị trí nguồn nước mất rất nhiều thời gian…”: Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt, cán bộ phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh chia sẻ thêm.
Hiệu quả từ một sáng kiến mang đậm tính thực tiễn
Đến nay, phần mềm đã được đồng bộ hóa, sử dụng linh hoạt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn, phục vụ chỉ huy lẫn các tổ chữa cháy cơ động. Mỗi cán bộ, chiến sĩ có thể tra cứu nhanh các nguồn nước xung quanh khu vực cháy, chủ động tính toán phương án tiếp cận và phối hợp hiệu quả. Sau khi thử nghiệm, ứng dụng đã được hỗ trợ năng lực xử lý chữa cháy & CNCH nhanh chóng cho một số dịch vụ tại địa bàn tỉnh. Nhờ việc xác định chính xác nguồn nước gần nhất, thời gian tiếp cận hiện trường được rút ngắn đáng kể, nâng cao hiệu quả chữa cháy và cứu trợ. Phần mềm ứng dụng giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng theo dõi, đánh giá tình hình nguồn nước, từ đó đưa ra đề xuất sản xuất các bình xịt nước chữa cháy bổ sung tại các khu vực còn thiếu.
 |
Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt cùng đồng đội nghiên cứu, lập trình ứng dụng phần mềm. |
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ chữa cháy, bản đồ số hóa nguồn nước còn phục vụ công tác thẩm duyệt, quy hoạch đô thị, tập huấn lực lượng tại cơ sở và tham mưu chiến lược phát triển hạ tầng PCCC. “Việc ứng dụng công nghệ số vào công tác nghiệp vụ đang là xu hướng tất yếu của ngành Công an nói chung và lực lượng PCCC nói riêng. Với phần mềm bản đồ nguồn nước, lực lượng thẩm duyệt PCCC có thể căn cứ vào vị trí các trụ nước hiện có để đưa ra đánh giá, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hệ thống cấp nước phù hợp cho công trình. Bản đồ này cũng giúp thực hiện công tác tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị gắn với phòng cháy, đảm bảo hệ thống cấp nước chữa cháy phát triển đồng bộ với hạ tầng dân cư", Thiếu tá Nguyễn Văn Thưởng - Phó trưởng Phòng PCCC&CNCH nhấn mạnh.
Sáng kiến của Thượng úy Đạt đã vượt xa phạm vi một giải pháp kỹ thuật - nó trở thành công cụ nghiệp vụ toàn diện, góp phần hiện đại hóa công tác PCCC tại địa bàn còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên.
Người lính chữa cháy thời chuyển đổi số
“Đồng chí Đạt là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc. Với sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí đã đóng góp thiết thực vào chuyển đổi số của đơn vị, giúp nâng cao năng lực ứng phó với cháy nổ tại cơ sở”, là nhận định của Thiếu tá Nguyễn Văn Thưởng - Phó trưởng Phòng PCCC & CNCH Công an tỉnh Điện Biên.
Từ một người lính chữa cháy không có kiến thức công nghệ, Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt đã trở thành người tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới trong công tác PCCC tại tỉnh Điện Biên. Đồng chí không chỉ “số hóa” nguồn nước - mà quan trọng hơn, anh đã “số hóa” tư duy đổi mới, tư duy chủ động của người chiến sĩ Công an trong thời đại chuyển đổi số.
Tinh thần học hỏi không ngừng, sự dấn thân trong khó khăn và ý chí quyết tâm làm điều có ích cho tập thể đã khiến Thượng úy Nguyễn Doãn Đạt trở thành gương điển hình tiên tiến đáng trân trọng. Một sáng kiến cho dù khởi đầu giản dị, nhưng khi gắn với trái tim tận tụy và trí tuệ không ngừng vươn lên, đã mang lại giá trị thực tiễn và truyền cảm hứng cho cả tập thể. Đây cũng chính là minh chứng tiêu biểu cho phẩm chất tận tụy vì nhân dân phục vụ của người chiến sĩ Công an nhân dân trong thời đại số, góp phần quan trọng bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương.