Đều đặn hàng ngày, Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc - cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai lại đứng lớp để dạy chữ cho các học viên. Mặc dù không được học nghiệp vụ sư phạm, nhưng với nhiệm vụ mới được giao, chị và các cán bộ ở Cơ sở luôn tự trau dồi kỹ năng để truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất. Thiếu tá Phúc chia sẻ: “Để truyền đạt các bài giảng đạt chất lượng tốt nhất, giúp học viên dễ nắm kiến thức, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi đều tranh thủ lên Youtube tìm tòi, học cách giảng dạy từ các thầy cô. Trên cơ sở đó, mỗi người sẽ tự nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy trên lớp học.”.
Từ ngày 01/3/2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận cơ sở cai nghiện ma túy từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, phân loại học viên, nhận thấy trong số 238 học viên đang điều trị tại cơ sở thì có tới 21 học viên bị mù chữ, đầu tháng 4/2025, đơn vị đã quyết định mở lớp học xóa mù chữ ngay tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Trung tá Đặng Xuân Toàn- Trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết: “Nếu không sớm có giải pháp khắc phục tình trạng mù chữ, chắc chắn việc truyền đạt các kiến thức về giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nâng cao nhận thức cho học viên sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc mở lớp xóa mù chữ cho người nghiện không chỉ là việc làm nhân văn, mà còn thể hiện rõ sự đổi mới trong công tác cai nghiện ma túy của lực lượng Công an tỉnh Gia Lai”.
 |
Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc hướng dẫn học viên làm bài tập. |
Mồ hôi lấm tấm trên trán, nhưng học viên H.V.N (SN 1986, trú tại làng Khô Roa, xã Ia Hrú), vẫn cặm cụi nắn nót từng nét chữ trên trang giấy trắng bằng đôi tay chai sạn. Anh N. vào cơ sở điều trị từ tháng 3/2025. Sau gần 3 tháng học tập, hiện nay N. đã biết viết, biết đọc các đoạn văn ngắn và cộng, trừ, nhân, chia một số phép tính đơn giản. Anh N. chia sẻ: “Từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không được đi học. Lớn lên, bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy rồi nghiện khi nào không hay. Vào đây học cái chữ còn khó hơn cuốc đất, nhưng được cán bộ động viên nên tôi cố gắng. Cán bộ nói biết chữ là điều rất bổ ích cho bản thân. Sau này được về địa phương, bản thân sẽ biết tính toán làm ăn, phát triển kinh tế để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”.
Học viên T.X.T (SN 1982) cho biết: “Trước đây, do mù chữ nên không có sự hiểu biết, từ đó mới bị ma túy lôi kéo. Khi vào cơ sở cai nghiện, bản thân được cán bộ dạy học chữ, giờ tôi đã biết viết và đọc báo, đọc sách, có thể tự nâng cao nhận thức của bản thân về các vấn đề xã hội”.
Lớp học đặc biệt này có 17/21 học viên là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế và đa số đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài việc cử cán bộ giảng dạy trên lớp, buổi tối và ngày nghỉ trong tuần, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đều phân công cho từng cán bộ trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các học viên chậm tiến bộ. Nhờ vậy, đến thời điểm này, 100% học viên tại lớp học đều đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính đơn giản. Thậm chí một số học viên giờ đã viết được thư gửi về cho gia đình. Trung tá Đặng Xuân Toàn cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục để đào tạo cho học viên, phấn đấu trong 24 tháng điều trị tại cơ sở, học viên sẽ được phổ cập hết kiến thức, chương trình bậc Tiểu học. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phổ biến giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến pháp luật để mỗi học viên nâng cao nhận thức, hiểu được tác hại của ma túy để tránh xa, không tái nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng”.