INTERPOL sắp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập

02/01/2023
Ngày 07/9/2023, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (ICPO/INTERPOL) sẽ chính thức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Năm 1914, Hội nghị Cảnh sát hình sự quốc tế đầu tiên tổ chức ở Monaco đã đưa ra ý tưởng thành lập một Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn do Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Sau chiến tranh, Tiến sỹ Johannes Schober, Giám đốc Cảnh sát thành phố Viên (Cộng hòa Áo) đã khôi phục ý tưởng xây dựng một Cơ quan Cảnh sát quốc tế. 

Ngày 07/9/1923, Hội nghị Cảnh sát hình sự quốc tế lần thứ hai ở Viên, Áo với đại diện từ 20 quốc gia đã quyết định thành lập Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Commission - ICPC, tên gọi ban đầu của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - International Criminal Police Organization - ICPO/INTERPOL), đặt trụ sở chính ở thành phố Viên, Áo. Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia đã thống nhất rằng: (1) Chỉ thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Cảnh sát các quốc gia mới có thể chống lại các mối đe dọa của tội phạm xuyên quốc gia; (2) Thiết lập các nguyên tắc cơ bản, tập trung vào các công cụ thiết thực để trợ giúp cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia thành viên đấu tranh chống tội phạm bên ngoài lãnh thổ các quốc gia; (3) ICPC cam kết trung lập, không can thiệp vào các công việc mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc phân biệt chủng tộc. 

Đến năm 1956, trong Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 25 ở Viên, Áo, Đại hội đồng đã thông qua Điều lệ của Tổ chức, thống nhất đổi tên “Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế” thành “Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế” (INTERPOL). Hiện tại, INTERPOL đặt trụ sở chính tại thành phố Lyon, Pháp.
 

 Trụ sở INTERPOL hiện nay tại Lyon, Pháp và Trụ sở cũ tại Áo
Trụ sở INTERPOL hiện nay tại Lyon, Pháp và Trụ sở cũ tại Áo.


Trong thế kỷ qua, INTERPOL đã trở thành một trong những tổ chức được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới, từ một nhóm gồm đại diện của 20 quốc gia, đến nay INTERPOL đã trở thành một tổ chức với 195 quốc gia thành viên từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham gia; kết nối chặt chẽ lực lượng Cảnh sát các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển an ninh trong khu vực và trên thế giới. 

Các công cụ và dịch vụ mà INTERPOL sử dụng để hỗ trợ Cảnh sát các quốc gia thành viên đã phát triển vượt bậc. Năm 1935, ICPC lần đầu giới thiệu mạng lưới phát thanh quốc tế, là hệ thống liên lạc độc lập chỉ dành riêng cho các cơ quan cảnh sát hình sự quốc gia. Hiện INTERPOL đang sử dụng hệ thống liên lạc bảo mật kết nối tất cả các lực lượng Cảnh sát thành viên mang tên I-24/7. Hàng năm, hàng triệu tin nhắn được truyền qua hệ thống I-24/7. Hệ thống này cho phép Văn phòng INTERPOL các quốc gia thành viên truy cập theo thời gian thực. Theo thống kê của INTERPOL, Cảnh sát các nước truy cập và tìm kiếm Cơ sở dữ liệu INTERPOL trung bình hơn 20 triệu lần mỗi ngày, tương đương 250 lượt tìm kiếm mỗi giây. 
 

Cơ sở dữ liệu vân tay của INTERPOL (AFIS).
Cơ sở dữ liệu vân tay của INTERPOL (AFIS).


Với khẩu hiệu “Kết nối Cảnh sát các quốc gia vì một thế giới hòa bình hơn”, INTERPOL thực sự đã hỗ trợ rất tốt cho cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia trao đổi, chia sẻ, cập nhập thông tin về các loại tội phạm một cách an toàn nhất, qua đó xác định được xu hướng tội phạm, phân tích thông tin, tiến hành các hoạt động điều tra chung, bắt giữ tội phạm.

Nhằm tiếp tục khẳng định sự công nhận, tầm ảnh hưởng của INTERPOL; nâng cao nhận thức về INTERPOL đối với tất cả các cơ quan thực thi pháp luật thông qua Văn phòng INTERPOL các quốc gia thành viên, Ban Tổng thư ký INTERPOL đã phát động Chương trình kỷ niệm 100 năm ngày thành lập INTERPOL tại Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 90 (diễn ra từ ngày 18 đến 21/10/2022 ở thành phố New Delhi, Ấn Độ) và sẽ kéo dài đến Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 91, dự kiến tổ chức tại Viên, Áo, nơi INTERPOL được chính thức thành lập vào ngày 07/9/1923. Đồng thời, ngày 07/9/2023 lần này sẽ đánh dấu năm đầu tiên thế giới kỷ niệm Ngày Hợp tác Quốc tế Cảnh sát. Ngày này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 16/12/2022 nhằm ghi nhận vai trò trung tâm của cộng đồng thực thi pháp luật trên thế giới đối với an ninh toàn cầu.

 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm